Bình loạn về Trump

Mình không có hứng thú với chính trị, nhưng kì bầu cử Tổng Thống Mỹ năm nay là một ngoại lệ vì nó không khác gì một câu chuyện “Alice ở Xứ sở Thần Tiên” với Trump đóng vai Hoàng Hậu Đỏ: một kẻ tự cao, ngỗ ngược,  cáu kỉnh, tàn bạo.

Hoàng hậu Đỏ

Một năm trước khi Donald Trump tuyên bố mình sẽ tham gia, chả có ai coi cái việc ổng làm là nghiêm túc cả. Gì chứ, một thằng cha không có tí kinh nghiệm gì về chính trị mà lại quyết định tham gia vào cuộc chạy đua tới Nhà Trắng và đối đầu với những thượng nghị sĩ, chính trị gia với cả chục năm kinh nghiệm giắt túi ư? Ấy vậy mà kẻ ngoại đạo này đã trở thành ứng cử viên đại diện cho Đảng Cộng Hòa và có tên trong tấm phiếu bầu chính thức ngày 8/11 năm nay.

Mình tò mò và tìm hiểu thêm về quá trình bầu cử ở Mỹ và cảm thấy thực sự CHOÁNG  vì nó là một cái quá trình quá dài, phức tạp, mất hơn một năm và cả trăm triệu đô cho chiến dịch bầu cử. Cái bài giải thích khá là dài, nên mình chỉ nói vắn tắt về qui trình để cho thấy cái việc chọn ra Tổng Thống Mỹ nó kì công thế nào:

  • Từ tháng 2, các đảng tổ chức bầu cử tại mỗi bang để tìm ra đại diện cho đảng đó. Người chiến thắng sẽ nhận được một số lượng cử tri, những người đại diện cho dân để chọn ra ứng viên của đảng vào tháng 7. Người nhận được sự ủng hộ của ít nhất 1237 cử tri sẽ thành ứng viên của đáng đó để tham gia cuộc bầu cử chính thức vào tháng 11.
  • Ngày 8/11 sẽ có 4 ứng cử viên tương đương cho 4 đảng tham gia cuộc tranh cử lần này. Ngoài hai đảng chính Cộng hòa (Republican) và Dân chủ (Democrat) thì có thêm hai đảng là Liberitarian và Green.
  • Vào tháng 11, người dân sẽ đi bỏ phiếu ở từng bang. Mỗi bang được gắn với số cử tri đại diện (electoral college) nhất định, như New York thì tương đương với số cử tri đại diện là 29. Khi người dân đi bỏ phiếu, họ thực chất không bầu trực tiếp cho ứng viên, mà là bầu cho cử tri đại diện (và mỗi người này không nhất thiết phải bầu cho người mà dân muốn họ bầu :S). Người thắng ở mỗi bang sẽ nhận được tất cả số cử tri  đại diện  (winner takes all), như ví dụ ở đây là 29. Người có 270/538 số phiếu từ những cử tri đại diện sẽ trở thành Tổng Thống Mỹ.
  • Số lượng phiếu bầu của dân không quan trọng bằng số phiếu cử tri đại diện. Bằng chứng là George W. Bush thua số phiếu bầu nhưng vẫn trở thành Tổng Thống vì có đủ số phiếu từ cử tri đại diện.

Mình còn hơi lơ mơ về cái quá trình phức tạp và cái mục đích của nó. Nhưng giải thích đến đây chắc đủ khiến bạn tự hỏi tđn mà Trump lại có khả năng trở thành Tổng Thống, sau khi cái hệ thống này được tạo ra để sàng lọc ra những  hạt gạo lép và chỉ giữ lại những hạt dùng được nhỉ :))

Những lí do khiến mọi người ghét Trump thì vô kể: cái miệng hay ba hoa, giọng nói lè nhè, thái độ ngạo mạn, khinh người, kì thị người nhập cư (trái phép), hằn học người theo đạo Hồi, coi thường phụ nữ, không có chính kiến hay đầu óc vĩ mô, lúc nào cũng nhìn vấn đề một cách cực đoan (nghĩa là trắng hoặc đen chứ không có xám)… Tuy vậy, cũng có rất nhiều người ủng hộ ông ta vì nhiều lí do ngoài sự mù quáng phù phiếm…

1. Trump không phải là một chính trị gia

Điều kiện để trở thành Tổng Thống Mỹ không đề cập đến việc người đó phải làm việc cho chính phủ hay quốc hội – vậy tại sao phải đi theo cái lối mòn đó? Trump giống như một “làn gió xanh” trong cuộc bầu cử năm nay. Trump chưa thực sự đề đạt những chính sách cụ thể, nhưng nhiều người đã bị thuyết phục bởi cái sự ngông cuồng và thách thức cái hệ ý thức, cách diễn đạt quá an toàn, vòng vo của chính trị Mỹ. Lúc nào họ cũng nói những thứ mà ai cũng biết rồi, những “lẽ phải” để né tránh dư luận và sự chỉ trích, và cố gắng làm hài lòng càng nhiều người càng tốt. Sự ba phải đó khiến nhiều người nghi ngờ độ trung thực của chính trị gia. Trong một cái xã hội bị nhiễu loạn bởi những giá trị và ý kiến đối ngược nhau, nhiều người đã mệt mỏi với việc đứng ở vùng màu xám và sợ sự phản đối và miệt thị của những người có tư tưởng khác mình. Trong khi đó, Trump luôn luôn về trắng hoặc đen. Tất cả cũng thứ ông nói, dù đúng hay sai, đều rất chắc chắn và không khoan nhượng. Những giá trị đạo đức của ông ta rất rõ ràng. Ông tôn trọng những người làm việc tích cực, trung thành, sáng tạo, những người chiến thắng và ông ta thẳng thắn tránh xa những kẻ không như thế. Người Mỹ cần phải tìm lại những giá trị đạo đức chung, để họ có thể tự quyết định cho bản thân thay vì để những giọng nói bên ngoài chi phối.

2. Trump đại diện cho người da trắng đa số nước Mỹ

Trump đại diện cho cái số đông mà giờ cảm thấy họ đang bị tước đi quyền của mình vì chính trị giờ luôn luôn bảo vệ những kẻ thiểu số “yếu thế”. Bây giờ sự sống của người da đen dường như quan trọng hơn (Black lives matter), và những kẻ vượt biên, dân nhập cư thì được nhận thẻ xanh. Chính trị Mỹ đã bị chi phối bởi cái sự chính nghĩa và trả lại công bằng cho kẻ yếu số, mà quên đi quyền lợi của số đông những người da trắng. Trump không sợ chống lại những kẻ chính trị giả tạo đã phản bội lòng tin của họ. Ông ta thẳng tay chỉ trích, mắng mỏ giới truyền thông vì đơn giản là ông ta có thể. Sự nhẹ nhõm và thỏa mãn khi nhìn thấy ông ta tấn công những kẻ hai mặt đem đến niềm vui nho nhỏ cho những người da trắng chưa bao giờ ngưng vật lộn với cuộc sống của họ và bây giờ sống trong nỗi sợ quyền lợi bị đe dọa. George H.W. Bush đã phản bội lòng tin của họ khi ông ta nói sẽ không tăng thuế. Bill Clinton dối trá về việc ông ta đã ngủ với người phụ nữ không phải vợ mình. Hillary Clinton nói dối về việc bà ta dùng thư điện tử bí mật ngoài sự kiểm soát của chính phủ, và những thông tin mật đã có thể bị lọt ra ngoài vì sự thiếu cẩn trọng đó.

3. Trump có kinh nghiệm lãnh đạo tập đoàn của ông ta

Trump đã và đang là một người lãnh đạo tài ba của tập đoàn Trump. Dĩ nhiên là những người bầu cho ông biết là ông ta thừa kế vài triệu đô từ bố mình, và cũng biết ông ta đã từng bị phá sản. Nhưng bây giờ nhìn nhận hiện tại mà xem. Ông ta đang điều hành một tập đoàn lớn có giá tỉ đô và khả năng lãnh đạo này thực sự cần thiết ở cương vị Tổng Thống, một người có tầm nhìn và dùng người để thực hiện hóa những ý định đó. Có thể Trump không có kinh nghiệm chính trị, nhưng ông ta đã quen làm việc với cái hệ thống này và dẫn dắt công ty với hàng chục nghìn nhân viên của mình. Ông ta có kĩ năng đàm phán từ việc kinh doanh và ông ta có thể dùng nó để dung hòa những ý kiến đối lập từ hai bên conservative và liberal (hai hệ tư tưởng khác nhau về vai trò của chính phủ). Ông ta quản lí được tiền và hiểu nền kinh tế hoạt động như thế nào. Ông ta có tiền và không bị chi phối bởi các doanh nghiệp như quan hệ giữa Hillary và các nhà tài trợ phố Wall. Kinh nghiệm này thực tế và hữu ích hơn kinh nghiệm của những chính trị gia toàn ngồi bàn giấy và vô dụng trong việc thay đổi chính sách trong quốc hội.

4. Trump không phải Hillary

Họ không còn lựa chọn nào khác. Gary Johnson và Jill Stein có cơ hội chiến thắng nhỏ vì họ là ứng cử viên độc lập và sẽ không có sự ủng hộ từ hai đảng chính – tại sao mọi người nên mạo hiểm lãng phí phiếu bầu cho những người có khả năng chiến thắng thấp? Hillary thì sao? Mình chỉ biết Hillary là Ngoại Trưởng Mỹ nên mình thực sự ngạc nhiên khi biết có nhiều người Mỹ không ưa bà. Những người này thà chọn Trump còn hơn Killary. Hillary nói dối người Mỹ về những khoản tiền mình nhận được từ nhà tài trợ, về vụ khủng bố ở Benghazi, về email server bí mật của bà. Họ không thích Hillary vì bà quá tính toán, và ai biết được bà ta sẽ làm gì khi trở thành người đàn bà quyền lực nhất nhà Trắng? Để kể về nỗi sợ của người Mỹ với Hillary chắc cần có một bài lảm nhảm riêng. Tóm lại, họ sẵn sàng mạo hiểm để chọn Trump và mong rằng ông ta sẽ tạo ra một sự cải tổ cần thiết cho bộ máy chính phủ và quốc hội trì trệ. Hillary là một phần của bộ máy đó và họ thà chết chứ không bầu cho bà.

Còn nhiều thứ lắm, nhưng mình hết hứng viết rồi 🙂 để lúc khác vậy

Leave a comment